Bón phân như thế nào là đúng cách?

Đăng bởiFarms Highland vào lúc

Các cụ ngày xưa đã đúc rút ra được kinh nghiệm ngàn đời không sai “NHẤT NƯỚC NHÌ PHÂN”
Nhưng bón phân như thế nào mới đúng, mới không làm hại cây? Người ăn nhiều còn chết vì bội thực, vì ngộ độc thì cây cũng như vậy.
Cây có 2 nguồn thức ăn chính là PHÂN HỮU CƠ và PHÂN VÔ CƠ. Tùy vào từng giai đoạn phát triển của cây mà bón từng loại phân khác nhau cho hợp lý

1. Cách bón phân hữu cơ


Phân hữu cơ được làm từ xác động vật, thực vật, chứa nhiều chất hữu cơ tự nhiên, nhiều vi sinh vật có lợi, có tác dụng rất tốt trong việc cải tạo đất, cải thiện khả năng giữ nước và tăng cấu trúc của đất dẫn đến giúp tăng dinh dưỡng cho đất. Ngoài ra phân hữu cơ còn khuyến khích các hoạt động vi sinh vật - đóng vai trò lớn trong việc phân hủy các chất dinh dưỡng để cây có thể hấp thu.

Ưu điểm vượt trội của phân hữu cơ là không gây độc hại và giá thành rất hạt dẻ, thậm chí có thể tận dụng rác thải để chế biến thành phân, vô cùng tiện lợi. Cách làm phân hữu cơ từ rác thải như thế nào thì mình sẽ chia sẻ trong 1 bài khác nhé. Tuy nhiên phân hữu cơ có tác dụng chậm, nên bón vào đất trước khi trồng 1 thời gian để phân hấp thụ dần dần, sẽ giảm được lượng phân sử dụng sau này. 

Phân hữu cơ bón cho cây trong giai đoạn từ lúc cây con cho đến lúc cây trưởng thành ra hoa, sau giai đoạn này phải bón thêm phân vô cơ. Sau khi thu hoạch xong, tỉa cành, tỉa lá lại tiếp tục bón phân hữu cơ để cây tái sinh đời mới.

Nếu không tự chế phân tại nhà thì loại phân hữu cơ tốt nhất nên dùng hiện nay là phân trùn quế Đặng Gia Trang. Giá cũng không hạt dẻ lắm, tầm 20-25k/bao 2kg nhưng tác dụng nhanh và rất tốt. Có thể dùng dạng phân bột rắc vào gốc hoặc dùng dạng phân nước phun cho cây. 10 ngày bón 1 lần, mỗi lần khoảng 1 thìa ăn cơm cho 1 cây. Khi làm đất trước khi trồng, nên trộn thêm 20% loại phân này vào đất nếu như không có phân chuồng hoai mục

2. Cách bón phân vô cơ


Phân vô cơ chủ yếu được tổng hợp từ các loại khoáng, có tác dụng nhanh đối với cây trồng nhưng có nhược điểm vô cùng lớn là phân khi bón xuống đất không hấp thụ hết, sẽ ngấm vào đất và lưu lại 1 đến vài tháng làm ô nhiễm nguồn nước và đất.

Phân vô cơ được dùng để bón cho cây ở giai đoạn ra hoa và tạo quả. Giai đoạn này cây cần rất nhiều chất dinh dưỡng để nuôi quả, nếu chỉ bón phân hữu cơ thì không đủ dinh dưỡng, hoa có thể bị rụng, ít quả và quả nhỏ.

3 thành phần chính của phân vô cơ là ĐẠM, LÂN, KALI
   (N) – Phân đạm (màu trắng): là dinh dưỡng quan trọng nhất, có tác dụng giúp cây xanh tốt, tăng trưởng chiều cao, hình thành hoa, quả, mầm, chồi
   (P) – Phân lân (màu đen): tốt cho việc ra hoa ra rễ.
   (K) – Kali (màu đỏ): giúp cây cứng cáp, trái lớn nhanh, hạt mẩy, tăng độ ngọt.

Điều quan trọng nhất khi bón phân vô cơ là không được “THAM”, chỉ bón đủ liều lượng. Mỗi lần bón chỉ được bón 3-4 viên, tốt nhất nên đào 1 cái lỗ cách xa gốc tầm 10cm rồi chôn phân xuống, tưới nhiều nước để phân tan,, nếu phân chưa tan hết thì cũng sẽ không bị bay hơi. 10 ngày bón 1 lần. Nếu bón quá liều lượng, đất sẽ bị mặn phân, nhẹ thì làm cây xoăn lá, nặng thì làm cháy cây đến chết luôn.

Sau khi bón phân vô cơ, phải cách ly 20 ngày mới được hái rau sử dụng. Làm gì có bác nông dân nào đủ kiên nhẫn mà cách ly cho chúng ta đến tận 20 ngày chứ, đủ biết mỗi ngày ta nạp vào cơ thể bao nhiêu chất hóa học từ việc ăn rau mua ngoài chợ.


Nguồn sưu tầm: FB Nguyễn Thị Lina


Bài viết cũ