1. HƯỚNG DẪN GIEO HẠT DƯA LEO
Trước khi trồng dưa leo nên ươm hạt thành cây con cho khoẻ mạnh trồng bầu ươm rồi mới trổng ra chậu to. Thời gian ươm cây con khoảng 2 tuần.
Xem chi tiết cách gieo hạt dưa leo tại đây
2. CHẬU TRỒNG VÀ VỊ TRÍ TRỒNG
- Vị trí trồng: Dưa leo là cây ưa nắng nên cần trồng ở những nơi có ít nhất 6 tiếng nắng/ngày, nắng cả ngày thì càng tốt. Nếu ít nắng dưa leo dễ bị sâu bệnh, hay bị rụng hoa rụng quả, không đạt năng suất cao.
- Chậu trồng: Chậu trồng dưa leo cần có kích thước tối thiểu là 40x40cm/cây, các cây cách xa nhau để có độ thông thoáng cho nắng dễ len vào các cành lá. Khoảng cách trồng càng thông thoáng, cây nhận được càng nhiều nắng thì càng đỡ sâu bệnh.
3. HƯỚNG DẪN TRỘN ĐẤT TRỒNG DƯA LEO
Tỷ lệ trộn gồm 50% đất thịt/đất đỏ/đất sạch namix,... ; 20% phân chuồng hoai mục đã qua xử lý; 10% tro trấu; 10% xơ dừa đã qua xử lý; 5% xỉ than (than tổ ong ngâm nước 2 ngày rồi đập nhỏ và chỉ cần trộn một lần duy nhất vào đất mới); 5% cám gạo + phân gà viên + phân dơi + cám cá (cám dùng trong chăn nuôi) và các loại chế phẩm khác nếu có. Đảo đều rồi để thêm khoảng một tuần cho đất khô là có thể trồng cây.
- Cải tạo đất cũ:
Hết mỗi vòng đời của cây trồng đảo cho tơi đất rồi rắc vôi vào trộn đều (khoảng 1 vốc vôi/10kg đất) để từ 5-7 ngày cho khô đất rồi trộn bổ sung các loại phân như trên, tưới ẩm đảo đều để từ 1-2 ngày sau thì trồng mới (nếu không trộn cám gạo + cám cá thì có thể trồng luôn đc).
4. CÁCH CHĂM SÓC CÂY DƯA LEO
4.1 Tỉa nhánh cho dưa leo:
Trước khi tỉa nhánh cho dưa leo cần xác định loại dưa leo đang trồng là dưa leo thụ phấn chéo hay là dưa leo tự thụ phấn.
- Dưa leo thụ phấn chéo là giống dưa leo ra cả hoa đực và hoa cái trên cùng 1 cây, thụ phấn nhờ ong bướm, côn trùng hoặc thụ phấn tay. Giống này không nên trồng trong nhà lưới/kính mà chỉ trồng ngoài trời.
- Dưa leo tự thụ phấn là giống dưa chỉ ra hoa cái và tự tạo quả, không cần sự hỗ trợ của hoa đực. Có 1 số ít giống dưa leo tự thụ nhưng vẫn ra hoa đực, sau khi hoa đực rụng hết thì sẽ ra hoa cái.
CÁCH TỈA NHÁNH
- Dưa leo thụ phấn chéo: từ lá thứ 1 đến lá thứ 8 ngắt bỏ hết nhánh phụ và quả để nuôi 1 thân chính, không ngắt hoa đực. Từ lá thứ 8 trở lên bắt đầu để quả và nhánh phụ. Lưu ý ở thân chính nách lá nào có cả nhánh phụ và quả thì ngắt bỏ nhánh, chỉ để nhánh phụ ở những nách lá không có quả. Nếu nhà ai làm giàn ngang cho cây thì khi cây leo lên đến mặt giàn thì ngắt ngọn, nếu chỉ làm giàn đứng thì không cần ngắt ngọn.
- Dưa leo tự thụ phấn: Đa số dưa leo tự thụ phấn chỉ nên nuôi 1 thân chính để cây tập trung ra quả ở các nách lá, tỉa hết các nhánh và tỉa hết lá+quả duới lá thứ 8. Tuy nhiên để cây đạt năng suất cao hơn thì nên giữ lại các nhánh ở nách lá thứ 6 và 7 trở lên, tỉa hết các nhánh bên dưới, nhánh nào đậu chùm hoa đầu tiên thì bấm ngọn nhánh đó. Sau khi thu hoạch quả nên cắt tỉa hết lá già và nhánh xấu đi để cây nuôi lứa quả khác.
4.2 Cách bón phân cho cây dưa leo
Giai đoạn nuôi thân và lá cần bón các loại phân như phân rác, phân lân, phân rong biển, phân gà, dơi, trùn quế, phân cá,... bón 7-10 ngày/lần. Nấm trichoderma pha tưới 1 lần/tuần hoặc dùng IMO để bổ sung vi sinh vật cho đất.
Giai đoạn nuôi hoa cần tăng cường kali và canxi như phân chuối ủ, bột vỏ trứng tuới 3 ngày 1 lần kết hợp phân siêu kali, siêu canxi phun lá 1 tuần 1 lần.
Giai đoạn đã đậu quả thì tuới phân rác pha loãng hoặc phân chuối, phân trứng sữa pha loãng 3-4 ngày 1 lần nếu có.
5. CÁCH PHÒNG BỆNH CHO CÂY DƯA LEO
Để cây không bị bệnh thì ngay từ giai đoan cây đuợc 3 lá thật (20 ngày sau khi ươm) cần phun phòng bệnh định kỳ 1 tuần 1 lần cho cây.
Cách phòng bệnh chi tiết xem tại đây